DOANH NGHIỆP VIỆT NAM CẦN LƯU Ý GÌ KHI KÝ HỢP ĐỒNG THƯƠNG MẠI VỚI ĐỐI TÁC HÀN QUỐC

Trong thời kỳ hội nhập ngày càng sâu rộng với quốc tế, với hàng loạt các hiệp định thương mại tự do (FTAs) là cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, phát triển kinh tế. Bên cạnh những cơ hội thì thách thức và rủi ro là vấn đề cần lưu tâm đối với những doanh nghiệp Việt Nam khi ký kết các hợp đồng thương mại với đối tác nước ngoài, cụ thể ở đây là đối tác Hàn Quốc. Vì vậy sau đây là một số vấn đề mà doanh nghiệp Việt cần lưu ý khi tiến hành ký hợp đồng thương mại với đối tác Hàn Quốc để giảm thiểu các rủi ro.

  1. Kiểm tra thông tin pháp nhân

Đây là nội dung rất quan trọng, bởi nó quyết định tư cách và năng lực của đối tác nước ngoài có phải là tổ chức, đơn vị giả mạo hay không. Đây còn được xem là cơ sở hoạt động theo pháp luật nước ngoài. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam cần kiểm tra tư cách pháp nhân thật kỹ trước ký hợp đồng với đối tác là công ty nước ngoài.

Việc kiểm tra thông tin về doanh nghiệp đối tác trước khi ký kết hợp đồng cũng cần phải được tiến hành một cách toàn diện. Thông thường, nếu doanh nghiệp Hàn Quốc là thành viên của một số hiệp hội ngành nghề như: Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KCCI), Hiệp hội Ngoại thương Hàn Quốc (KITA), Hiệp hội nhập khẩu (KOIMA)… thì sự bảo đảm về uy tín cũng cao hơn các doanh nghiệp khác.

Doanh nghiệp Việt Nam có thể tra cứu thông tin tại trang chủ của các hiệp hội trong mục hội viên để kiểm tra thêm thông tin về đối tác của mình nếu đối tác là thành viên của các hiệp hội này. Các website để doanh nghiệp tham khảo thông tin có thể là:

Trong trường hợp phía đối tác Hàn Quốc không phải là thành viên của hiệp hội ngành nghề có uy tín nào. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam không có điều kiện trực tiếp sang kiểm tra cơ sở sản xuất kinh doanh cũng như tình hình tài chính của phía đối tác,…Doanh nghiệp Việt Nam nên sử dụng các dịch vụ thông tin doanh nghiệp của các công ty cung cấp thông tin doanh nghiệp uy tín và có đăng ký kinh doanh của Hàn Quốc như Korea Company Guide (www.nice.co.kr), Korea Enterprises Data (www.kedkorea.com), để có thể mua các thông tin doanh nghiệp rất chi tiết bao gồm thông tin về tình hình tài chính, hoạt động doanh nghiệp, về uy tín doanh nghiệp, khả năng kinh doanh…

Để tránh nhầm lẫn trong quá trình thực hiện biên soạn hợp đồng cả hai bên đối tác cần phải đối chiếu thông tin công ty trùng với thông tin được ghi trên Giấy phép kinh doanh. Cụ thể là các thông tin về: địa chỉ, tên, mã số thuế doanh nghiệp, người đại diện, địa chỉ nơi gửi nhận thư,…

Nhằm hạn chế triệt để những rủi ro pháp lý, trước khi quyết định đầu tư và đi đến kí kết hợp đồng thương mại, các doanh nghiệp cần phải kiểm tra, xác minh rõ ràng năng lực pháp lý, khả năng thực hiện hợp đồng của đối tác. Đồng thời tiến hành các biện pháp để thẩm định khả năng tài chính, uy tín của đối tác dự định giao kết hợp đồng. Đây cũng là điều kiện quan trọng để hợp đồng có hiệu lực.

 

  1. Ngôn ngữ

Việc bất đồng ngôn ngữ giữa đối tác Việt Nam và nước ngoài là điều không thể tránh khỏi. Để tránh hiểu sai do không thống nhất ngôn ngữ, khi kết giao hợp đồng doanh nghiệp Việt Nam có thể chủ động soạn thảo hợp đồng bằng 03 thứ tiếng bao gồm Tiếng Việt, Tiếng Hàn và Tiếng Anh. Trong đó, nội dung của 03 thứ tiếng được dịch chính xác, nếu có sự bất đồng, sai sót xảy ra ở nội dung bản dịch ngôn ngữ thì nên ưu tiên bản dịch Tiếng Anh. Bởi vì Tiếng Anh được xem là ngôn ngữ có giá trị và được sử dụng rộng rãi. Bên cạnh đó, hai bên có thể cùng lập hợp đồng bằng một thứ tiếng thứ ba do hai bên cùng thống nhất chọn ra.

  1. Điều khoản về luật trong hợp đồng với đối tác Hàn Quốc

Rủi ro có thể đến từ việc nhiều doanh nghiệp thiếu hiểu biết về pháp luật quốc tế, đặc biệt là pháp luật các nước, Hiệp định mà Việt Nam và Hàn Quốc ký kết hợp đồng cùng tham gia, gây khó khăn nhất định trong việc áp dụng luật khi có xảy ra tranh chấp giữa các bên.

Việc lựa chọn luật pháp là để điều chỉnh hợp đồng cũng như thống nhất luật điều chỉnh việc giải quyết tranh chấp. Hai bên đối tác có thể chọn luật Việt Nam hoặc luật Hàn Quốc. Ngoài ra, có thể chọn luật của một nước thứ ba để làm luật điều chỉnh. Tuy nhiên, việc chọn luật của quốc gia nào đều phải được ghi cụ thể trong hợp đồng.

Bên cạnh đó, Cơ quan giải giải quyết tranh chấp cũng phải được thống nhất. Cơ quan có thể là Tòa án hoặc Trọng tài. Một trong những Trọng tài ưu tiên được chọn là Trung tâm trọng tài Quốc tế tại Việt Nam, Trung tâm trọng tài Quốc tế ở nước ngoài hoặc Trung Tâm trọng tài Quốc tế Singapore (SIAC).

  1. Một vài điểm cần chú ý trong điều khoản hợp đồng thương mại quốc tế

Khi kết giao hợp đồng với pháp nhân nước ngoài thì hợp đồng thương mại quốc tế là một trong những loại hợp đồng được sử dụng nhiều nhất. Thông thường, rủi ro lớn nhất phát sinh trong quá trình kí kết hợp đồng là việc các bên vi phạm các quy định liên quan đến hợp đồng dẫn đến tình trạng hợp đồng vô hiệu và không có giá trị thực hiện. Dưới đây là một số điều khoản doanh nghiệp cần lưu ý khi kết giao hợp đồng mua bán hàng hóa thuộc hợp đồng thương mại quốc tế.

  • Mô tả sản phẩm

Mô tả sản phẩm khi viết cần phải sử dụng ngôn ngữ thông dụng, mô tả cụ thể, chi tiết. Hoặc áp dụng giấy tờ chính thức từ nhà sản xuất. Đồng thời, doanh nghiệp có thể thiết kế thêm phụ phụ lục riêng để mô tả hàng hóa.

Đối với hợp đồng mua bán quốc tế là dạng hợp đồng nguyên tắc mà việc mua bán hàng hóa được thực hiện theo mỗi PO thì cần xác định số lượng và chủng loại của hàng hóa,… Đặc biệt là phải xác định nguyên tắc định giá sản phẩm. Có thể quy định cụ thể trong hợp đồng hoặc phụ lục hợp đồng kèm theo cho mỗi lần giao dịch.

  • Đóng gói sản phẩm

Quy trình đóng gói và giao hàng rất quan trọng, cả hai bên đối tác cần phải thống nhất phương thức giao nhận hàng và loại phương tiện vận chuyển. Đây là nghĩa vụ chung của cả bên bán và bên mua vì vậy cần quy định cụ thể cho mỗi đợt giao dịch hàng hóa nhằm giảm thiểu sai sót và giảm thiểu trách nhiệm cho các bên liên quan.

  • Cảng giao nhận hàng

Cảng giao nhận hàng phải đáp ứng phù hợp với điều kiện INCOTERM mà cả hai bên sử dụng. Cụ thể như sau:

  • Thời điểm giao hàng hoặc ngày giao hàng;
  • Hình thức phạt khi giao trễ, giao thiếu hàng;
  • Các điều khoản giao hàng theo Incoterms (Buộc phải có);
  • Phương thức thanh toán (Thường áp dụng TTR và L/C);
  • Chứng từ liên quan (Thời gian chuyển giao cho nhà nhập khẩu, Sổ gốc kèm bản sao sẽ được cung cấp);
  • Các trường hợp bất khả kháng (bệnh dịch, cấm vận, thiên tai, chiến tranh,…).
    • Giải quyết tranh chấp

Cũng giống như những hợp đồng với pháp nhân nước ngoài khác, trên hợp đồng với đối tác Hàn Quốc cần phải nêu rõ Cơ quan Giải quyết tranh chấp và các luật pháp liên quan (xem lại điều 3 phía trên). Rủi ro về khả năng thanh toán hay về vi phạm nghĩa vụ hợp đồng của đối tác khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng, liên quan trực tiếp tới tình trạng nợ khó đòi hay gặp phải. Vì thế, hợp đồng cần phải có các điều khoản phạt vi phạm và giải quyết tranh chấp để áp dụng khi cần thiết.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tuân thủ các quy định của pháp luật về điều kiện có hiệu lực của hợp đồng theo quy định tại Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015 như: Điều kiện về chủ thể, mục đích, nội dung hợp đồng và hình thức của hợp đồng.

Một dạng rủi ro khác phát sinh trong quá trình này là rủi ro về nội dung, điều khoản của hợp đồng. Những nội dung cơ bản của một hợp đồng quy định cụ thể tại Điều 398 Bộ luật Dân sự 2015, do đó cần soạn thảo đầy đủ, chặt chẽ các nội dung để khi tranh chấp xảy ra sẽ dễ dàng chứng minh được để xác định trách nhiệm và bồi thường thiệt hại cho các bên. Ngoài ra, các bên trong hợp đồng cần chú trọng đến các điều khoản về bất khả kháng, về phạt vi phạm, phương thức giải quyết tranh chấp để đảm bảo tối đa quyền lợi của mình khi có vi phạm nghĩa vụ và các tranh chấp xảy ra. Cuối cùng, để hợp đồng có hiệu lực cần phải có chữ ký xác nhận của đại diện hai bên.

Trên đây là các nội dung mà doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý khi tiến hành hợp tác, ký kết hợp đồng thương mại với đối tác kinh doanh Hàn Quốc.

Trong trường hợp Quý Khách hàng cần tư vấn thêm các vấn đề khi tiến hành hợp tác, ký kết hợp đồng thương mại với đối tác kinh doanh Hàn Quốc, quý doanh nghiệp có thể liên hệ với Công ty Luật MLT Lawyers qua số điện thoại 0286.2727.987 hoặc 0919.211.048 hoặc qua email: [email protected]

Copy Protected by Chetan's WP-Copyprotect.
Call us Send us an email Whatsapp Follow on facebook