QUY ĐỊNH LIÊN QUAN ĐẾN SỰ KIỆN BẤT KHẢ KHÁNG ĐỐI VỚI VIỆC THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG

  1. Định nghĩa về sự kiện bất khả kháng.
  • Căn cứ pháp lý: Khoản 1 Điều 156, Khoản 2 Điều 351 Bộ luật Dân sự năm 2015, Điều 51 Nghị định 37/2015/NĐ-CP quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng, Điều 294, 296, 300 Luật Thương mại năm 2005. Theo đó, sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Bất khả kháng là một sự kiện rủi ro xảy ra một cách khách quan không thể lường trước khi ký kết hợp đồng xây dựng và không thể khắc phục được khi nó xảy ra mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép như: thiên tai, sự cố môi trường, địch hoạ, hoả hoạn và các yếu tố bất khả kháng khác.
  1. Điều kiện áp dụng sự kiện bất khả kháng

Một sự kiện được coi là bất khả kháng nếu sự kiện đó đáp ứng các điều kiện:

  • Xảy ra một cách khách quan: Bộ luật Dân sự không quy định tiêu chí để xác định một sự kiện được xem là xảy ra một cách khách quan. Tuy nhiên có thể suy luận, sự kiện đó xảy ra không theo ý chí các bên hay nói cách khác, sự kiện đó không do các bên tạo ra hoặc phát sinh do lỗi chủ quan của các bên.
  • Sự kiện xảy ra không lường trước được: Sự kiện xảy ra ngoài dự đoán của các bên, các bên không lường trước được tại thời điểm giao kết hợp đồng.
  • Sự kiện xảy ra không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép: Để phù hợp với nguyên tắc thiện chí, trung thực và hướng tới việc đảm bảo thực hiện hợp đồng của các bên, Bên có nghĩa vụ phải áp dụng mọi biện pháp trong khả năng cho phép để thực hiện các cam kết và nghĩa vụ ghi nhận tại Hợp đồng, cố gắng để khắc phục tác động của sự kiện đến việc thực hiện hợp đồng.
  • Sự kiện dẫn đến hậu quả là bên bị ảnh hưởng không thực hiện được đúng nghĩa vụ Hợp đồng: Sự kiện bất khả kháng là nguyên nhân trực tiếp làm bên bị ảnh hưởng không thể thực hiện đúng nghĩa vụ hợp đồng. Khó khăn về tài chính phát sinh từ sự đình trệ hay suy thoái hoạt động kinh doanh dẫn đến một bên không có khả năng thực hiện được nghĩa vụ hợp đồng là nguyên nhân gián tiếp, vì vậy thường không được xem là lý do cho việc không thể thực hiện nghĩa vụ.
  1. Miễn trách nhiệm trong trường hợp không thể thực hiện nghĩa vụ do bất khả kháng trong hợp đồng thi công xây dựng.

Ngoại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại, Bộ luật dân sự năm 2015 không quy định chi tiết những trách nhiệm nào mà bên vi phạm không phải chịu. Luật Thương mại năm 2005 quy định chi tiết và miễn trách nhiệm của Bên vi phạm đối với hầu hết các biện pháp khắc phục, bao gồm bồi thường thiệt hại, phạt vi phạm, tạm ngừng thực hiện Hợp đồng, huỷ bỏ Hợp đồng và đơn phương chấm dứt Hợp đồng. Như vậy, để cụ thể hơn về việc miễn trách nhiệm trong trường hợp vi phạm nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng cần được các Bên thoả thuận trong Hợp đồng. Nếu không có quy định này thì các thiệt hại liên quan đến sự kiện bất khả kháng và nghĩa vụ của mỗi Bên sẽ áp dụng quy định tại Điều 10 Thông tư 09/2016/TT-BXD hướng dẫn hợp đồng thi công xây dựng công trình:

  • Khi một bên gặp tình trạng bất khả kháng thì phải thông báo bằng văn bản cho bên kia trong thời gian sớm nhất, trong thông báo phải nêu rõ các nghĩa vụ, công việc liên quan đến hậu quả của bất khả kháng;
  • Bên thông báo về sự kiện bất khả kháng được miễn thực hiện công việc thuộc trách nhiệm của mình trong thời gian xảy ra bất khả kháng ảnh hưởng đến công việc theo nghĩa vụ hợp đồng;
  • Trách nhiệm của các bên đối với bất khả kháng: Nếu Bên nhận thầu bị cản trở thực hiện nhiệm vụ của mình theo hợp đồng do bất khả kháng mà đã thông báo theo các Điều khoản của hợp đồng dẫn đến chậm thực hiện công việc và phát sinh chi phí do bất khả kháng, Bên nhận thầu sẽ có quyền đề nghị xử lý như sau: (i) Được kéo dài thời gian do sự chậm trễ theo quy định của Hợp đồng (gia hạn thời gian hoàn thành); (ii) Được thanh toán các chi phí phát sinh theo các Điều khoản quy định trong Hợp đồng;
  • Bên Giao thầu phải xem xét quyết định các đề nghị của Bên Nhận thầu;
  • Việc xử lý hậu quả của sự kiện bất khả kháng không áp dụng đối với các nghĩa vụ thanh toán tiền của bất cứ bên nào cho bên kia theo hợp đồng.

Trong trường hợp cần tư vấn thêm các vấn đề về các quy định liên quan đến sự kiện bất khả kháng đối với việc thực hiện Hợp đồng, quý khách hàng có thể liên hệ với MLT Lawyers qua số điện thoại 0286.2727.987 hoặc 0919.211.048 hoặc qua email: [email protected]

Copy Protected by Chetan's WP-Copyprotect.
Call us Send us an email Whatsapp Follow on facebook