THÀNH LẬP TRẠM Y TẾ CÔNG TY ĐỂ LÀM NƠI KHÁM CHỮA BỆNH BẢO HIỂM Y TẾ BAN ĐẦU

Trạm Y tế Công ty được thành lập trong các doanh nghiệp để thực hiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho người làm việc tại doanh nghiệp đó.

 

  1. Điều kiện tham gia khám bệnh, chữa bệnh BHYT đối với Trạm y tế Công ty:

 

Theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Thông tư 09 để Doanh nghiệp thành lập được Trạm y tế Công ty và đáp ứng được các điều kiện tham gia khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu thì Doanh nghiệp cần đáp ứng các điều kiện như sau:

  • Có trụ sở và tư cách pháp nhân;
  • Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép đầu tư theo quy định của pháp luật;
  • Có giấy phép hoạt động hoặc giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề do cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế cấp theo quy định;

 

  • Có đủ điều kiện về nhân lực, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị để bảo đảm yêu cầu khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế, bao gồm:

 

  • Thuốc: Doanh nghiệp phải tuân theo Danh mục thuốc quy định tại cột 8 ban hành kèm theo thông tư số 31/2011/QĐ-BYT ngày 11/07/2011 của Bộ Y tế về việc ban hành và hướng dẫn Danh mục thuốc chữa bệnh chủ yếu sử dụng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được quỹ BHYT thanh toán.
  • Trang thiết bị y tế: Hiện tại chưa có quy định pháp luật riêng quy định về trang thiết bị y tế tại Trạm y tế doanh nghiệp. Tuy nhiên, thông qua Thông tư 10 có thể hiểu được Trạm y tế doanh nghiệp tương đương với Trạm y tế xã. Do đó trang thiết bị của Trạm y tế Doanh nghiệp sẽ được áp dụng theo quyết định Số: 437/QĐ-BYT ngày 20 tháng 02 năm 2002 về việc ban hành danh mục trang thiết bị y tế bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, huyện, phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế xã và túi y tế thôn bản.
  • Cơ sở vật chất: Hiện tại chưa có quy định pháp luật riêng quy định về trang thiết bị y tế tại Trạm y tế doanh nghiệp mà chỉ có Quyết định Số: 2271/2002/QĐ-BYT ngày 17 tháng 06 năm 2002 về việc ban hành tiêu chuẩn thiết kế trạm y tế cơ sở – tiêu chuẩn ngành” quy định tiêu chuẩn thiết kế Trạm y tế cơ sở.

 

Lưu ý: Trong trường hợp hướng đến các tiêu chuẩn về xã hội hóa y tế thì ngoài việc tuân thủ các quy định trên còn phải tuân thủ các tiêu chuẩn quy định tại Quyết định 1466 (xem danh mục cơ sở pháp lý bên dưới).

 

  • Chấp nhận mức giá thanh toán, phương thức thanh toán như đối với cơ sở y tế công lập cùng tuyến chuyên môn kỹ thuật hoặc cùng phân hạng theo quy định của Bộ Y tế.

 

Do đó, hiện tại Doanh nghiệp mới chỉ đáp ứng được hai điều kiện về: trụ sở, tư cách pháp nhân và có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Còn các điều kiện còn lại Doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ mới có thể thành lập được Trạm y tế cơ sở.

 

  1. Chủ thể quyết định trạm y tế đủ điều kiện khám chữa bệnh:

 

Theo Điều 10 Thông tư 10, Sở Y tế chủ trì và phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố để:

  • Xác định các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có đủ điều kiện tổ chức khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu.
  • Lập danh sách cơ sở đủ điều kiện tham gia khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu trên địa bàn tỉnh, thành phố làm cơ sở để Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu.

 

Như vậy, chỉ khi Doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện tham gia khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu, Sở Y tế tỉnh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở sẽ là cơ quan cấp phép cho Doanh nghiệp.

 

  1. Hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh BHYT:

Căn cứ theo khoản 1 Điều 12 Thông tư 10 “Bảo hiểm Xã hội tỉnh là đơn vị Tổ chức ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có đủ điều kiện tổ chức khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu theo danh sách Sở Y tế đã phê duyệt”. Do đó, Bảo hiểm xã hội tỉnh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở sẽ trực tiếp ký hợp đồng với Doanh nghiệp.

 

Hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh BHYT lập theo mẫu quy định tại Phụ lục 03 ban hành kèm theo Thông tư 09. Hồ sơ ký hợp đồng khám chữa bệnh gồm (mục 2 phần III Quyết định 82/QĐ-BHXH):

  • Bản sao công chứng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép đầu tư theo quy định của pháp luật;
  • Bản sao công chứng giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề y tư nhân;
  • Bản sao công chứng giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề dược tư nhân;
  • Quyết định phê duyệt phạm vi hoạt động chuyên môn;
  • Danh mục các Dịch vụ kỹ thuật (DVKT) được cấp có thẩm quyền phê duyệt; danh mục thuốc, danh mục vật tư y tế tiêu hao, vật tư y tế thay thế sử dụng tại cơ sở Khám chữa bệnh (KCB) theo quy định của Bộ Y tế;
  • Bảng giá các DVKT thực hiện tại cơ sở KCB;
  • Bản cam kết chấp nhận thanh toán chi phí các DVKT không vượt quá giá viện phí tại các cơ sở KCB BHYT công lập tương đương tuyến chuyên môn kỹ thuật (CMKT) hoặc cùng phân hạng bệnh viện theo quy định của Bộ Y tế và không thu thêm của người bệnh đối với quyền lợi được hưởng theo quy định của Luật BHYT.

 

Như vậy, chỉ khi Doanh nghiệp có đầy đủ các hồ sơ trên, Bảo hiểm xã hội tỉnh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở sẽ tiến hành ký Hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế với Doanh nghiệp.

 

  1. Nguồn kinh phí được hỗ trợ:

 

Bảo hiểm xã hội sẽ thanh toán theo định suất hoặc thanh toán theo dịch vụ cho Trạm y tế tại Doanh nghiệp theo phương thức thanh toán theo định suất hoặc thanh toán theo giá dịch vụ:

 

4.1 Thanh toán theo định suất

 

Theo Điều 15 Thông tư 09 “Thanh toán theo định suất là thanh toán theo định mức chi phí khám bệnh, chữa bệnh bình quân tính trên mỗi thẻ BHYT theo các nhóm đối tượng (sau đây gọi là suất phí) trong thời gian đăng ký tại cơ sở y tế.

  • Tổng quỹ định suất được thanh toán là số tiền tính theo số thẻ BHYT đăng ký và suất phí đã được xác định.
  • Quỹ định suất giao cho cơ sở y tế là tổng quỹ định suất của 6 nhóm đối tượng quy định tại Thông tư 09.
  • Quỹ định suất của từng nhóm đối tượng được xác định như sau:

 

Quỹ định suất của nhóm đối tượng = Tổng chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT của nhóm đối tượng năm trước trên địa bàn tỉnh x Tổng số thẻ BHYT của nhóm đối tượng đăng ký năm nay x k
Tổng số thẻ BHYT của nhóm đối tượng trong toàn tỉnh năm trước

+ Tổng chi phí khám bệnh, chữa bệnh của từng nhóm đối tượng năm trước trên địa bàn tỉnh bao gồm: chi phí khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở đăng ký  khám chữa bệnh ban đầu, chi phí khám bệnh, chữa bệnh tuyến khác và chi phí thanh toán trực tiếp của nhóm đối tượng đó (trừ các khoản chi phí quy định tại điểm c khoản này).

+ k: hệ số điều chỉnh do biến động về chi phí khám bệnh, chữa bệnh và các yếu tố liên quan khác của năm sau so với năm trước.

  • Chi phí vận chuyển, chi phí chạy thận nhân tạo, ghép bộ phận cơ thể người, phẫu thuật tim, điều trị bệnh ung thư, bệnh hemophilia và phần chi phí cùng chi trả của người bệnh không tính vào tổng quỹ định suất.
  • Tổng quỹ định suất giao cho các cơ sở y tế thực hiện định suất trong tỉnh không vượt quá tổng quỹ khám, chữa bệnh của các cơ sở này. Trường hợp đặc biệt thì Bảo hiểm xã hội tỉnh báo cáo Bảo hiểm xã hội Việt Nam để xem xét, điều chỉnh nhưng suất phí điều chỉnh không vượt quá mức chi bình quân chung theo nhóm đối tượng trên phạm vi cả nước do Bảo hiểm xã hội Việt Nam xác định và thông báo hàng năm.
  • Hệ số k tạm thời áp dụng là 1,10. Liên Bộ Y tế và Bộ Tài chính xem xét, điều chỉnh hệ số k cho phù hợp trong trường hợp có biến động liên quan đến chi phí khám bệnh, chữa bệnh và phạm vi quyền lợi BHYT, do đó, hệ số k này có thể thay đổi tùy theo từng thời kỳ.

 

Khi thực hiện thanh toán theo định suất, cơ sở y tế được chủ động sử dụng nguồn kinh phí đã được xác định hàng năm.

 

4.2 Thanh toán theo giá dịch vụ

 

Thanh toán theo giá dịch vụ là hình thức thanh toán dựa trên chi phí của các dịch vụ kỹ thuật y tế, thuốc, hóa chất, vật tư y tế đã được sử dụng cho người bệnh tại cơ sở y tế.

  • Thanh toán theo giá dịch vụ được áp dụng trong các trường hợp sau:
  • Cơ sở y tế chưa áp dụng phương thức thanh toán theo định suất;
  • Người bệnh có thẻ BHYT không đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở y tế đó;
  • Một số bệnh, nhóm bệnh hay các dịch vụ không tính vào quỹ định suất của cơ sở y tế áp dụng phương thức thanh toán theo định suất quy định tại điểm c khoản 2 Điều 15 Thông tư này;

 

  • Cơ sở thanh toán: chi phí các dịch vụ kỹ thuật y tế được tính theo bảng giá dịch vụ kỹ thuật của cơ sở y tế được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về thu viện phí; chi phí về thuốc, hóa chất, vật tư y tế được tính theo giá mua vào của cơ sở y tế; chi phí về máu, chế phẩm máu được thanh toán theo giá quy định của Bộ Y tế.

 

  • Đối với cơ sở y tế thực hiện khám bệnh, chữa bệnh ngoại trú và nội trú được sử dụng 90% quỹ khám bệnh, chữa bệnh tính trên tổng số thẻ đăng ký tại cơ sở y tế.

 

  • Đối với cơ sở y tế chỉ thực hiện khám bệnh, chữa bệnh ngoại trú được sử dụng 45% quỹ khám bệnh, chữa bệnh tính trên tổng số thẻ đăng ký tại cơ sở

 

4.3 Nguồn thu từ Trạm y tê cơ cở :

 

Nguồn thu có được từ Trạm y tế Công ty được xem là doanh thu của Công ty và được hạch toán vào nguồn thu có được từ hoạt động kinh doanh dịch vụ (mục 1 phần III Thông tư 130)

Trong trường hợp Trạm y tế Công ty đáp ứng được các tiêu chuẩn về xã hội hóa y tế theo quy định tại phần III Quyết định 1466 (đính kèm) thì nguồn thu từ Trạm y tế áp dụng thuế suất thuế TNDN 10% trong suốt thời gian hoạt động đối với phần thu nhập này (điểm b khoản 7 Điều 1 Thông tư 18). Còn trong trường hợp trạm y tế không đáp ứng được các tiêu chuẩn về xã hội hóa thì nguồn thu này vẫn đóng thuế thu nhập doanh nghiệp 25%.

 

Ngoài ra, tài sản cố định là trạm y tế để khám chữa bệnh phục vụ cho người lao động làm việc tại doanh nghiệp được trích khấu hao tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế (mục 2.2 khoản 2 phần III Thông tư 130).

 

Như vậy, việc thành lập Trạm y tế tại Doanh nghiệp được pháp luật cho phép và khuyến khích với các đặc điểm sau :

  • Không cần điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của Công ty;
  • Phải có giấy phép hoạt động hoặc giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề của Sở y tế nơi doanh nghiệp có trụ sở cấp;
  • Chỉ được khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu sau khi ký Hợp đồng với Bảo hiểm xã hội tỉnh nơi doanh nghiệp có trụ sở;
  • Được Bảo hiểm xã hội tỉnh cấp kinh phí để hoạt động.

Tuy nhiên, để thành lập được Trạm y tế cơ sở và để Trạm y tế hoạt động có hiệu quả từ nguồn kinh phí của Bảo hiểm xã hội thì cần có sự cân nhắc hợp lý về các ưu, nhược điểm sau cũng như sự xem xét và tính toán phù hợp để đưa ra quyết định tối ưu đối với Doanh nghiệp :

 

Ưu điểm :

 

  • Đang được Nhà nước khuyến khích nên việc xin phép thành lập không quá khó khăn về thủ tục và việc cấp phép.
  • Doanh nghiệp được Bảo hiểm xã hội tỉnh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế theo phương pháp định suất hoặc dịch vụ như trên đã trình bày.
  • Trường hợp quỹ định suất có kết dư thì Trạm y tế được sử dụng như nguồn thu của đơn vị sự nghiệp nhưng tối đa không quá 20% quỹ định suất, phần còn lại tính vào quỹ khám bệnh, chữa bệnh năm sau của đơn vị. Điều này có nghĩa là, trong trường hợp Quỹ bảo hiểm y tế do bảo hiểm Xã hội thanh toán cho Doanh nghiệp có kết dư thì Doanh nghiệp được sử dụng nguồn thu này để tự thu chi. Được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp trong trường hợp đáp ứng các tiêu chuẩn về xã hội hóa y tế;
  • Tài sản cố định là trạm y tế để khám chữa bệnh phục vụ cho người lao động làm việc tại doanh nghiệp được trích khấu hao tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế
  • Người lao động thuận tiện trong việc khám chữa bệnh ban đầu tại Doanh nghiệp.

 

Nhược điểm :

 

  • Doanh nghiệp phải đầu tư một số lượng cơ sở vật chất lớn cho Trạm y tế cơ sở cũng như trang thiết bị bảo đảm đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh để được Sở y tế chấp thuận đủ điều kiện khám chữa bệnh y tế ban đầu và được cấp giấy phép đủ điều kiện hành nghề.
  • Mặc dù việc thành lập Trạm y tế không quá khó khăn về thủ tục và việc cấp phép nhưng quy trình để thành lập và đưa Trạm y tế trở thành cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế sẽ trải qua một quá trình lâu dài, mất nhiều thời gian cũng như nhân lực và vật lực: .
  • Xây dựng trạm y tế đáp ứng các điều kiện theo các quy định của pháp luật.
  • Sở Y tế xem xét để cấp giấy phép
  • Bảo hiểm xã hội tỉnh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở ký Hợp đồng với Doanh nghiệp.

 

  • Cơ sở pháp lý

 

  • Luật bảo hiểm y tế số 25/2008/QH12 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 14 tháng 11 năm 2008;
  • Nghị định Số: 62/2009/NĐ-CP của Chính phủ ngày 27 tháng 07 năm 2009 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế ;
  • Thông tư 09/2009/TTLT-BYT-BTC ngày 14/08/2009 của liên Bộ Y tế – Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện BHYT (Thông tư 09);
  • Thông tư 10 số 10/2009/TT-BYT ngày 14 tháng 8 năm 2009 của Bộ Y tế hướng dẫn đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu và chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ((Thông tư 10);
  • Thông tư số 31/2011/QĐ-BYT ngày 11/07/2011 của Bộ Y tế về việc ban hành và hướng dẫn Danh mục thuốc chữa bệnh chủ yếu sử dụng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được quỹ BHYT thanh toán;
  • Thông tư liên tịch số 01/2011/TTLT-BLĐTBXH- BYT của Bộ Y tế ngày 10 tháng 01 năm 2011 Hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác an toàn – vệ sinh lao động trong cơ sở lao động;
  • Thông tư 130/2008/TT-BTC của Bộ tài chính ngày 26 tháng 12 năm 2008 hướng dẫn thi hành một số điều của luật thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12 và hướng dẫn thi hành nghị định số 124/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 12 năm 2008 của chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của luật thuế thu nhập doanh nghiệp (Thông tư 130)
  • Thông tư 18/2011/TT-BTC ngày 10 tháng 2 năm 2011 sửa đổi, bổ sung thông tư số 130/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 của bộ tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của luật thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12 và hướng dẫn thi hành nghị định số 124/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 12 năm 2008 của chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của luật thuế thu nhập doanh nghiệp (Thông tư 18)
  • Quyết định Số: 82/QĐ-BHXH ngày 20 tháng 01 năm 2010 ban hành quy định về tổ chức thực hiện hợp đồng khám chữa bệnh, giám định chi trả chi phí khám, chữa bệnh, quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế;
  • Quyết định Số: 2271/2002/QĐ-BYT ngày 17 tháng 06 năm 2002 về việc ban hành tiêu chuẩn thiết kế trạm y tế cơ sở – tiêu chuẩn ngành;
  • Quyết định Số: 437/QĐ-BYT ngày 20 tháng 02 năm 2002 về việc ban hành danh mục trang thiết bị y tế bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, huyện, phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế xã và túi y tế thôn bản;
  • Quyết định Số: 58/TTg ngày 03 tháng 2 năm 1994 của Thủ tướng chính phủ quy định một số vấn đề về tổ chức và chế độ chính sách đối với y tế cơ sở;
  • Quyết định Số: 131-TTg ngày 04 tháng 3 năm 1995 sửa đổi một số điểm trong quyết định 58/TTG ngày 3 tháng 2 năm 1994 về tổ chức và chế độ chính sách đối với y tế cơ sở;
  • Quyết định 82/QĐ-BHXH ngày 20/01/2010 của Tổng giám đốc BHXH ban hành quy định về tổ chức thực hiện hợp đồng khám chữa bệnh, giám định chi trả chi phí khám, chữa bệnh, quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế thì hồ sơ ký hợp đồng khám chữa bệnh;
  • Quyết định Số: 385/2001/QĐ-BYT ngày 13 tháng 02 năm 2001 của Bộ y tế về việc ban hành qui định nhiệm vụ kỹ thuật trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ sinh sản tại các cơ sở y tế;
  • Quyết định 1466/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ ngày 10 tháng 10 năm 2008 quy định danh mục chi tiết các loại hình, tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn của các cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường (Quyết định 146)
  • Quyết định số: 4969/QĐ-BHXH ngày 10 tháng 11 năm 2008 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm và chế độ quản lý của các phòng nghiệp vụ thuộc bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
  • Quyết định số: 12/2010/QĐ-UBND của UBND tỉnh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở ngày 21 tháng 04 năm 2010 ban hành bảng giá thu một phần viện phí cho các cơ sở khám chữa bệnh công lập tỉnh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở;
  • Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 22 tháng 01 năm 2002 của Ban chấp hành Trung ương về củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở
    Trong trường hợp cần tư vấn thêm các vấn đề về Trạm y tế tại doanh nghiệp, Quý khách hàng có thể liên hệ với MLT Lawyers qua số điện thoại 0286.2727.987 hoặc 0919.211.048 hoặc qua email: [email protected]

 

Copy Protected by Chetan's WP-Copyprotect.
Call us Send us an email Whatsapp Follow on facebook